Vô niệm & Toạ Thiền – Pháp Bảo Đàn Kinh lược trích, phần 2

Nghe các bài đọc của trang trên Radio trực tuyến

Huệ Năng tôi đến nương náu nơi này kể như là có nhân duyên từ nhiều kiếp trước với chư vị quan, tăng, tục. Giáo lý mà tôi giảng đây là do các thánh nhân (Bổn sư Cồ-đàm và 5 vị Tổ) đời trước truyền lại, không phải do Huệ Năng tôi nghĩ ra. Chư vị nếu muốn nghe giáo lý của các thánh nhân đời trước, mỗi người phải thanh tịnh tâm mình. Sau khi nghe xong, phải nguyện tự mình trừ bỏ sự mê mờ của mình, như thế chư vị cũng sẽ chẳng khác gì với các thánh nhân thuở trước.

Này các thiện tri thức, thế nhân ai vốn cũng đều sở hữu Bồ đề và trí Bát nhã, chỉ bởi tâm bị mê mờ mà họ không thể tự giác ngộ lấy được. Cho nên mới cần phải cầu bậc Đại thiện tri thức để chỉ cho họ Pháp Kiến Tánh. Các thiện tri thức, gặp được giác ngộ tức là thành tựu được Phật trí.

Nếu như muốn tu hành thì tại gia cũng được, không cần phải ở chùa.

Nếu như ở chùa mà không tu, thì có khác chi những người ở Tây phương mà tâm địa độc ác. Còn ở tại gia mà tu hành, thì cũng như người ở Đông phương mà tu thiện pháp. Chỉ cần ở tại gia mà tu thanh tịnh thì đó tức là Tây phương.

Này các thiện tri thức, tất cả kinh sách và văn tự, Tiểu thừa Đại thừa, mười hai bộ kinh, thảy đều vì con người mà thiết lập. Chính vì trí tuệ trong tự tánh của con người mới có thể kiến lập được.

Nếu như trong chúng ta không sẵn trí Bát nhã, thì tất cả các Pháp không thể hiện hữu. Cho nên phải nên biết rằng vạn Pháp là từ con người mà phát sinh, tất cả kinh sách đều vì con người mà thuyết.

Bởi vì loài người có kẻ mê, người trí. Kẻ ngu là tiểu nhân, người trí là đại nhân. Nếu kẻ mê hỏi người trí, người trí sẽ vì kẻ mê mà thuyết pháp, khiến kẻ mê giác ngộ, thấu hiểu một cách sâu xa.

Nếu như kẻ mê giác ngộ thì y cũng chẳng khác gì người đại trí. Cho nên chúng ta cần hiểu rằng, khi chưa ngộ thì Phật cũng là chúng sanh. Còn chỉ cần giác ngộ trong một niệm thôi thì chúng sanh cũng là Phật.

Cho nên mới biết rằng tất cả vạn pháp đều ở cả trong chính tâm mình, thì cớ sao lại chẳng làm cho chơn như bổn tánh đốn hiện nơi tự tâm mình?..

Lược trích kinh văn đoạn Lục tổ Huệ Năng Thuyết Giảng về Định, Tuệ:

Này các thiện tri thức, pháp môn này của tôi, lấy định tuệ làm căn bản. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, thì tuyệt đối không bao giờ được mê mờ nói rằng Định và Tuệ là khác biệt.

Định – Tuệ là một thể chứ không phải là hai.

Định chính là thể của tuệ, tuệ chính là dụng của định. Lúc có tuệ thì định hiện hữu trong tuệ, lúc có định thì tuệ hiện hữu trong định. Này các thiện tri thức, như thế có nghĩa là Định và Tuệ bình đẳng. Các người học đạo phải lưu ý, đừng bao giờ nói định có trước rồi mới phát sinh tuệ, hoặc tuệ có trước rồi mới phát sinh định, hoặc định tuệ khác nhau.

Chấp thứ kiến giải này hàm ngụ pháp có hai tướng. Đó là miệng nói thiện, tâm không thiện, định tuệ sẽ không bình đẳng. Nếu tâm và khẩu đều thiện, nội ngoại là một, định và tuệ lập tức bình đẳng.

Pháp tu tự ngộ không ở chỗ tranh biện ngoài miệng.

Nếu lo tranh biện rằng định tuệ cái nào trước cái nào sau, lập tức chư vị trở thành những kẻ mê mờ, khó mà phán đoán thắng phụ, lại đâm ra chấp trước vào Pháp và Ngã. Không thể giải thoát khỏi bốn tướng sanh, lão, bệnh, tử được.

 “Nhất hạnh tam muội” có nghĩa là cái chân tâm thường hằng trong tất cả mọi thời, mọi hành vi đi, đứng, nằm, ngồi. Kinh Tịnh Danh nói: “Chơn tâm là đạo tràng, chơn tâm là Tịnh độ”. Đừng bao giờ trong tâm xảo trá mà ngoài miệng lại nói về cái ngay chính của pháp. Miệng nói nhất hạnh tam muội mà không thực hành chân tâm, người ấy chẳng phải là đệ tử của Phật.

Chỉ cần thực hành chân tâm, không chấp trước bất cứ pháp nào, đó gọi là nhất hạnh tam muội. Người mê còn câu nệ vào các tướng của pháp, chấp trước nhất hạnh tam muội, cho rằng chân tâm có nghĩa là ngồi bất động, trừ vọng tưởng không để cho bất cứ gì khởi lên trong tâm, cho đó tức là nhất hạnh tam muội.

Nếu như thế thì pháp này cũng giống hệt như vô tình, đó là nguyên nhân chính chướng ngại việc đắc Đạo.

Đạo phải là thông suốt lưu chuyển. Làm sao có thể là thứ đình trệ ngăn ngại được.

Nếu tâm không đình trệ nơi pháp, đạo lập tức thông suốt lưu chuyển; nếu tâm đình trệ nơi pháp, thì đó gọi là tự trói buộc.

Này các thiện tri thức, có nhiều người dạy người khác ngồi yên mà quán tâm quán tịnh, không động đậy không khởi “tâm”, và họ dồn nỗ lực vào việc đó. Người mê mờ không giác ngộ, bèn chấp vào đó mà thành điên đảo, hạng người như thế có đến hàng trăm. Những ai dạy người khác pháp tu như thế, thực là sai lầm vô cùng.

 Này các thiện tri thức, do đâu mà được định tuệ bình đẳng, như thể ngọn đèn và ánh sáng mà đèn tỏa ra. Có đèn thì có ánh sáng. Không có đèn thì không có ánh sáng. Đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn. Tên tuy có hai, thể đâu có phải là hai. Pháp định tuệ này cũng y như thế.

Lược trích kinh văn đoạn Lục tổ Huệ Năng  Thuyết Giảng về Vô Niệm

Này các thiện tri thức, pháp vốn không có đốn tiệm, song người có thông minh và chậm lụt. Với kẻ mê thì nên tu tiệm pháp, người sáng mới nên tu đốn pháp. Biết được bổn tâm tức là thấy bổn tánh. Khi ngộ sẽ nhận ra rằng hai pháp đốn và tiệm kia vốn không sai biệt, nếu không ngộ thì sẽ mãi mãi trôi lăn trong luân hồi.

 Này các thiện tri thức, pháp môn này của tôi, từ xưa đến nay, (đốn hay tiệm) cũng đều lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bổn.

Vô tướng có nghĩa là ở trong tướng mà vẫn ly tướng. Vô niệm có nghĩa là ở trong niệm mà không niệm.

Vô trụ tức là bổn tánh của con người.

Niệm niệm không dừng, tiền niệm, kim niệm và hậu niệm, niệm niệm tương tục, không có đứt đoạn. Nếu như có một niệm dứt đoạn, Pháp thân lập tức ly Sắc thân, trong sự tương tục của các niệm, không có sự đình trệ nơi bất cứ pháp nào cả. Nếu một niệm đình trệ, lập tức các niệm liên tục đều đình trệ, đó gọi là hệ phược. Nếu như trong các niệm liên tục không đình trệ vào bất cứ pháp nào, đó là không bị hệ phược. Đó gọi là lấy vô trụ làm bổn. 

Này các thiện tri thức, bên ngoài lìa tất cả các tướng là vô tướng. Chỉ cần lìa được các tướng, tánh thể tự nhiên thanh tịnh, cho nên mới lấy vô tướng làm thể.

Không nhiễm nơi bất cứ cảnh nào, gọi là vô niệm. Lìa cảnh ngay chính nơi niệm của mình, thì niệm sẽ lập tức không sinh nơi pháp. Nếu như mình không suy tư về các sự vật và trừ khử được tất cả các niệm, lúc một niệm vừa dứt đoạn thì lập tức mình sẽ thọ sinh nơi chốn khác. 

Các người học đạo phải thận trọng, chớ nên dựa vào ngoại pháp hay tự ý của mình. Tự mình lầm lẫn còn không đến nỗi nào, chứ còn khuyên người khác lầm lẫn thì tệ hại biết bao.

Kẻ mê đã không tự thấy được là mình mê lại còn bài báng chân pháp.

Do đó mới lập vô niệm làm tông. Bởi vì mê mờ mà con người khởi niệm nơi cảnh, rồi thì tà kiến lại do nơi niệm mà khởi. Tất cả các trần lao vọng niệm do nơi đó mà sinh. Do đó giáo pháp này mới lập vô niệm làm tông.

Này các thế nhân, hãy xa lìa các kiến chấp và đừng sinh khởi vọng niệm. Nếu như không có niệm, vô niệm cũng chẳng thể thành lập được. “Vô” là “vô” cái gì? “Niệm” là “niệm” vật gì? “Vô” là lìa xa nhị tướng khởi trần lao. “Niệm” là niệm chơn như bổn tánh.

Chơn như là thể của niệm, niệm là dụng của chơn như. Nếu khởi niệm từ tự tánh, thì tuy có kiến, văn, giác, tri, cũng vẫn chẳng hề bị vạn cảnh nhiễm mà vẫn luôn luôn tự tại.

Lược trích kinh văn đoạn Lục tổ Huệ Năng Thuyết Giảng về Tọa Thiền:

Này các thiện tri thức, trong pháp môn này, tọa thiền vốn không chấp trước tâm, không chấp trước tịnh, mà cũng chẳng nói đến bất động. Nếu có người bảo là quán tâm, thì tâm vốn là vọng, và bởi vì vọng cũng giống như huyễn, đâu có đối tượng để mà quán. Nếu nói là quán tịnh, thì bổn tánh con người vốn tịnh, chỉ bởi vì vọng niệm che phủ chơn như.

Chỉ cần lìa vọng niệm, bổn tánh tự nhiên thanh tịnh. Không thấy được rằng tự tánh vốn thanh tịnh, tâm khởi ý niệm quán tịnh, là đâm ra khiến vọng niệm về tịnh sanh.

Vọng vốn không nơi chốn, cho nên phải biết rằng những gì mình quán thấy chỉ là hư vọng mà thôi.

Tịnh vốn vô hình tướng, song có người lại vẫn giả lập tịnh tướng, rồi gọi đó là công phu “tu Thiền”.

Những người mang kiến chấp này tự che mờ bổn tánh mình, rồi rốt cuộc lại bị trói buộc bởi cái vọng niệm về tịnh. Người tu pháp bất động, không thấy lỗi lầm của người khác, đó là cái bất động của tự tánh. Kẻ mê tuy tự thân hắn bất động, song thoắt mở miệng là chỉ nói đến thị phi của người khác, do đó đi ngược lại đạo.

Quán tâm quán tịnh, chính là cái nguyên do che chướng Đạo.

 Này các ông, đã hiểu như vậy rồi, thì trong pháp môn này, gọi là “tọa thiền” có nghĩa là gì? Trong pháp môn này, “tọa” có nghĩa là khắp nơi vô ngại, bên ngoài không khởi niệm nơi bất cứ cảnh giới nào; “thiền” có nghĩa là “bên trong” thấy được bổn tánh và không bị loạn động.

Gọi là “Thiền định” có nghĩa là gì? Bên ngoài xa lìa các tướng gọi là “thiền”, bên trong không loạn gọi là “định”. Bên ngoài nếu như tuy có tướng, song bên trong bổn tính vẫn không loạn, thì đó là cái tự tịnh tự định bổn nguyên.

Chính sự liên hệ với ngoại cảnh gây nên loạn tâm. Do đó bên ngoài xa lìa các tướng tức là “thiền”, bên trong không loạn tức là “định”. Này các thiện tri thức, hãy tự thấy rằng tự tánh mình vốn thanh tịnh, tự tu tập tự thành tựu. Tự tánh của mình chính là Pháp thân, sự tu hành của mình chính là sự tu hành để thành Phật. Tự thành tựu chính là tự thành Phật đạo cho chính mình.

Bạn nghĩ gì về bài viết này?