
7/- Luận về Tắm gội:
Khi nói về việc “tắm gội chúng tăng”, đó chẳng phải theo nghĩa hạn hẹp “tắm gội” hữu vi của thế gian này. Đức Thế Tôn vì các vị đệ tử mà thuyết kinh Ôn thất, nhằm muốn cho họ vâng giữ theo pháp tẩy dục (Luôn Chánh Niệm Thân).
Ôn thất nghĩa là căn phòng ấm áp, ấy là nói đến thân thể này. Nói đến việc nhóm lên ngọn lửa của trí huệ, để hâm nóng nước giới luật thanh tịnh. Giúp tắm gội cho tánh Phật chân như ở trong thân. Từ đó giữ đúng theo bảy Pháp* một cách tự trang nghiêm.
(*) Bảy pháp gồm: giới hạnh, trí huệ, phân biệt, chân thật, chánh tín, nhẫn nhục và hổ thẹn. Bảy pháp này sẽ được giải thích ở đoạn sau.
Những vị tỳ-kheo sáng suốt vào thời ấy đều hiểu được ý của Phật, theo đúng lời dạy mà tu hành. Thành tựu được công đức, cùng chứng các quả thánh.
Chúng sinh thời nay mê muội không rõ biết, dùng nước thế gian để tắm gội tấm thân vật chất ngăn ngại hạn hẹp, mà lại cho đó là y theo trong kinh. Thì sao có thể khởi được tánh giác?
Huống chi, Phật Tánh Chân Như vốn chẳng mang hình hài phàm tục. Phiền não nhơ nhớp vốn cũng không có tướng trạng. Sao có thể dùng thứ nước vật chất ngăn ngại của thế gian mà thanh tẩy thân vô vi? Việc làm đã không hợp lý, sao có thể ngộ Đạo?
Còn nếu muốn thân này được thanh sạch, cần phải quán xét rằng dục thân vốn là do chỗ tham dục bất tịnh mà sinh ra, nhơ nhớp chất chồng, trong ngoài đầy rẫy. Thế nên, lấy tắm gội thân này để mà cầu sự thanh sạch thì khác nào như muốn làm sạch nước của con suối, chỉ khi suối cạn thì mới sạch…
Theo đó suy xét sẽ thấy việc tắm gội ngoài thân chẳng phải lời Phật dạy. Mà thực ra Ngài mượn việc thế gian làm phương tiện để ví với pháp chân thật, muốn hàm ý về bảy việc cúng dường công đức.
Sao gọi là bảy việc?
Một là nước tắm trong sạch.
Hai là nhóm lửa hâm nước ấm.
Ba là chất làm sạch (1).
Bốn là nhành dương để làm sạch miệng (2).
Năm là chất bột sạch để chà xát.
Sáu là chất dầu để xoa thân.
Bảy là y phục mặc ở trong (3).
(1) Chất để làm sạch thân thể khi tắm gội thời đó, tương tự như ngày nay ta dùng xà phòng tắm.
(2) Chúng tăng ngày xưa dùng cành dương để làm sạch miệng sau bữa ăn, như chúng ta ngày nay chải răng, xỉa răng.
(3) Nguyên văn dùng nội y, tức là tấm vải được quấn lên người trước khi đắp y. Người xuất gia ngày xưa dùng tấm nội y này thay cho quần.
Bảy việc này được nêu ra là để ẩn dụ cho bảy pháp tu. Hết thảy chúng sinh đều có thể nhờ bảy pháp tu này mà trở nên thanh tịnh, trang nghiêm, trừ bỏ được tâm độc (tham, sân, si) và những ô uế gây ra bởi si mê, ám muội.
Bảy pháp ấy là gì?
Một là pháp giới luật thanh tịnh, giúp giải trừ hết được những sai lầm, tội lỗi; như nước sạch rửa trôi đi bụi bẩn.
Hai là pháp trí huệ giúp soi chiếu sáng tỏ trong ngoài; như ngọn lửa có thể hâm nóng nước tắm giúp thanh sạch.
Ba là pháp phân biệt, biết lựa chọn trừ bỏ các điều ác; như chất làm sạch có thể loại trừ cáu bẩn.
Bốn là pháp chân thật, dứt trừ các vọng tưởng; như nhành dương có thể giúp làm sạch miệng.
Năm là pháp đức tin chân chánh, kiên định, không còn nghi ngờ do dự; cũng như chất bột sạch chà xát lên thân có thể ngăn trừ gió độc.
Sáu là kiên nhẫn, nhu hòa; cũng như chất dầu xoa thân có thể giúp cho da trơn láng, thông nhuận.
Bảy là hổ thẹn, hối cải các nghiệp ác; cũng như tấm nội y có thể giúp che đậy chỗ xấu trên thân.
Bảy pháp nói trên là hàm ý thâm sâu trong kinh, đều là để truyền lại cho người có căn trí nhanh nhạy, hiểu được ẩn ý bên trong. Chẳng phải dành cho người phàm phu căn trí thấp hèn.
8/- Luận Kết:
Sở dĩ người đời nay không hiểu được những nghĩa lý ấy là do hiểu biết nông cạn. Từ đó chỉ lấy những việc làm theo hình tướng mà cho đó là làm công đức. Tốn kém biết bao nhiêu tiền của, đắp tượng, xây chùa tháp…uổng phí sức người.
Dốc lòng dốc sức cũng chỉ tự làm tổn hại bản thân, mê hoặc người khác. Chẳng biết là rất đáng hổ thẹn, biết bao giờ mới được Giác Ngộ?
Thấy pháp hữu vi hình tướng thì hết lòng đắm chấp, nghe nói đến pháp vô vi chân tánh thì ngớ ngẩn, mê muội. Chỉ tham những điều lành nhỏ nhoi trước mắt, nào biết được nỗi khổ lớn mai sau?* Tu học như thế chỉ tự mình nhọc công phí sức, bỏ chánh theo tà, ai bảo là được phước?
(*) Điều lành nhỏ nhoi trước mắt là những việc thiện theo pháp hữu vi, dù có quả báo tốt nhưng chẳng giúp gì cho việc khai mở trí huệ giải thoát. Nỗi khổ lớn mai sau chính là vòng sinh tử luân hồi triền miên chẳng dứt.
Cốt lõi chỉ cần thâu nhiếp được tâm, soi chiếu bên trong, tỉnh thức rõ biết sáng tỏ bên ngoài. Tham sân si vĩnh viễn dứt tuyệt, ngăn giữ sáu căn chẳng để ngoại trần quấy nhiễu.*
(*) Nguyên văn tiếng Hán: “Đãn năng nhiếp tâm nội chiếu, giác quán ngoại minh. Tuyệt tam độc vĩnh sử tiêu vong, bế lục tặc bất linh xâm nhiễu.”
Thì tự nhiên vô số công đức thảy sẽ đều trang nghiêm, vô số pháp môn thảy sẽ đều thành tựu. Vượt phàm chứng thánh thấy được ngay trước mắt. Ngộ đạo trong giây lát, không cần đợi đến lúc bạc đầu.
Pháp môn chân thật, sâu và được ẩn kín (nhằm tránh bị tà pháp sửa kinh, hoán đổi), không thể nào nói hết. Chỉ lược kể ra đây đôi phần về phép quán tâm mà thôi.
Tâm Pháp Dẫn Tâm:
“Muốn tìm Phật hãy tìm Tâm”.
“Tâm là Phật, không có Phật ở ngoài tâm. Phật mà lấy chỗ ngoài tâm, hình dung Phật ở bên ngoài thì đó chính là mê sảng.”
“Phật trước Phật sau chỉ nói pháp truyền Tâm, ngoài ra không còn pháp nào khác. Nếu thấy rõ pháp ấy thì phàm phu ngu dốt, không biết một chữ cũng vẫn là Phật.”