III/-Đệ Tam Môn Nhị Chủng Nhập (Pháp môn thứ ba về hai đường vào Đạo)

Trong tu tập tuy có nhiều đường vào Đạo, nhưng về cơ bản không ra khỏi hai đường này: Một là nương theo nghĩa lý mà vào đạo (lý nhập), hai là nương theo công hạnh mà vào đạo (hạnh nhập).
Nương theo nghĩa lý mà vào đạo, đó là dựa vào giáo thuyết để hiểu rõ được tông chỉ. Với niềm tin chắc chắn rằng tất cả chúng sinh đều cùng một tánh chân thật. Nhưng đều do vọng tưởng khởi lên theo các duyên, làm che lấp tánh chân thật khiến không hiển lộ.
Thế nên nếu có thể lìa bỏ vọng tưởng, quay về với tánh chân thật, gom tâm về một mối, không thấy có ta không thấy có người, nhận ra thánh phàm cũng chẳng khác, kiên định giữ như thế không lay chuyển, lại không bị trói buộc vào câu chữ trong kinh giáo.*
Đấy chính là hợp với nghĩa lý sâu xa, không còn có chỗ phân biệt, tự nhiên thể nhập vào chỗ tịch lặng vô vi, đó gọi là nương theo nghĩa lý mà vào đạo.
(*) Nguyên văn tiếng Hán: “Nhược dã xả vọng quy chân, ngưng trụ bích quán, vô tự vô tha, phàm thánh đẳng nhất, kiên trụ bất di, cánh bất tuỳ ư văn giáo.”
Còn về nương theo công hạnh mà vào đạo, thì có 4 loại công hạnh. Hết thảy các hạnh khác cũng không ra ngoài 4 hạnh này.
Bốn hạnh đó là gì? Một là hạnh báo oan, hai là hạnh tùy duyên, ba là hạnh không mong cầu và bốn là hạnh xứng pháp.
Thế nào là hạnh báo oan?
Đó là nói người thực hành đạo (tu đạo) khi gặp sự khổ đau, cần nghĩ được rằng, ta do từ bao kiếp trước không người chỉ dạy, bỏ gốc theo ngọn, trôi dạt trong ba cõi*, khởi lên nhiều lòng oán ghét, gây ra biết bao tổn hại.
(*) Ba cõi gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Nay tuy không còn phạm lỗi lầm như thế, nhưng chính nghiệp ác tạo từ trước đến nay kết thành, như cây đến lúc thì đậu quả, chẳng phải do trời hại cũng chẳng phải do người hại. Hiểu được như vậy, an lòng kiên nhẫn đón nhận, không than oán.
Kinh viết rằng: “Gặp khổ chẳng lo buồn.” Vì sao vậy? Là vì đã hiểu thông suốt Pháp. Sinh tâm như vậy là tương hợp với nghĩa lý sâu xa. Nhờ chịu oan khuất mà tinh tấn trên đường đạo, đó gọi là hạnh báo oan.
Thứ hai là hạnh tùy duyên. Chúng sinh vốn không có gì thật là “cái ta”, thảy đều theo nhân duyên và nghiệp lực biến chuyển. (Chúng sanh vô ngã, tịnh duyên nghiệp sở chuyển.)
Mọi nỗi khổ niềm vui thọ nhận, đều là theo nhân duyên mà sinh ra.
Nếu như được quả báo tốt đẹp với những việc vinh dự, cũng đều là do các việc đã làm trong quá khứ. Khi duyên hết trở lại thành không, có gì để mà vui. (Duyên tận hoàn vô, hà hỷ chi hữu.)
Cái được mất đều tùy nơi duyên, còn chân tâm vốn thật không tăng giảm. Những việc mừng vui vì thế chẳng làm cho lay động, ngầm thuận theo đạo, vì thế mà gọi là hạnh tùy duyên.
Thứ ba là hạnh không mong cầu. Người thế tục mê lầm dai dẳng, ở nơi nơi đều tham lam đắm chấp, nên gọi là mong cầu.
Người có trí hiểu được lẽ chân thật, ngược lại với thế tục, tâm an ổn vô vi, dù cho hình tướng bên ngoài có tùy duyên động chuyển. Muôn vật thế sự đều là Không, chẳng có gì để mà đáng mong cầu ưa thích. (Vạn hữu tư không, vô sở nguyện lạc.)
Những việc tốt xấu cứ đan xen tiếp nối nhau, ở mãi trong ba cõi như thế chẳng khác nào ở trong căn nhà đang cháy. Đã có thân này là có khổ, nào có được sự an ổn. Hiểu rõ được chỗ ấy, buông xả được muôn sự, dứt được mọi vọng tưởng mong cầu.
Kinh viết rằng: “Còn mong cầu là còn khổ. Không mong cầu mới được an vui. Rõ biết được lẽ không mong cầu thực là hạnh của người tu, vì thế gọi là hạnh không mong cầu.”
Thứ tư là hạnh xứng pháp. Tánh thật vốn thanh tịnh, lý ấy gọi là pháp. Tin hiểu được lý ấy thì hết thảy các tướng đều là không, chẳng còn nhiễm ô đắm chấp, không thấy có ta không thấy có người.
Người có trí tuệ, nếu tin hiểu được lý này thì chính là đang thực hành xứng hợp theo Pháp. Bản chất của Pháp vốn không tham tiếc, nên có thể dùng cả thân, tánh mạng và tài sản để thực hành pháp bố thí ba-la-mật. Tâm không tham tiếc, hiểu thấu được ba pháp không (*). Không còn phụ thuộc cũng không chấp giữ, chỉ cần loại bỏ cấu nhiễm.
(*) Ba pháp không: Người thực hành hạnh bố thí quán xét tận cùng sẽ hiểu được rằng thật ra là không có vật bố thí, không có người bố thí và cũng không có người nhận bố thí.
Tùy điều kiện mà giáo hóa chúng sanh, cũng không chấp giữ hình tướng. Như thế chính là làm cho chính mình mà cũng mang lại lợi ích cho người, trang nghiêm được đạo Bồ-đề.
Việc bố thí đã là như thế, thì năm pháp ba-la-mật (*) cũng như vậy. Vì loại trừ các tư tưởng hư vọng để tu hành sáu pháp ba-la-mật, nhưng thật ra không có chỗ nào để thực hành, như thế gọi là hạnh xứng pháp.
(*) Ngoài bố thí ba-la-mật, năm pháp ba-la-mật còn lại là:
⁃ Trì giới ba-la-mật
⁃ Nhẫn nhục ba-la-mật
⁃ Tinh tấn ba-la-mật
⁃ Trí huệ ba- a-mật
⁃ Thiền ba-la-mật