
Trên con đường tu học giác ngộ cần nắm vững bản đồ để không bị lạc đường.
Bản đồ chính là giáo pháp, nắm vững bản đồ là hiểu rõ lý nghĩa của giáo pháp mà Đức Phật và các vị chư tổ chánh quy đã truyền dạy.
Tâm chính là đầu mối tạo nên luân hồi và cũng là chủ tác, đầu mối để trở về thanh tịnh.
Khi Tâm ô nhiễm sẽ tạo nên nghiệp ác.
Tâm vốn sẵn thanh tịnh, nhưng do sai lầm của chính mình làm Tâm bị che mờ. Do vậy, chỉ có tự mình không làm điều ác, tự mình không ô nhiễm thì Tâm sẽ tự thanh tịnh. Tịnh, không tịnh tự mình. Không ai thanh tịnh ai.
Sáng suốt gọi là minh, che mờ gọi là ô minh.
Về sau thường được gọi là “vô minh”, nghĩa là không có sáng suốt. Gọi như vậy thì chưa đúng, vì hạt giống Trí huệ Phật tánh luôn tồn tại trong mỗi chúng sanh. Trong Phật học nguyên thủy định nghĩa chúng sanh không chỉ nói đến con người, mà là muôn loài bao gồm cả súc vật.
Súc vật kia tưởng rằng ngu dốt nhưng thực chất vẫn có hạt giống giác ngộ ở bên trong. Nên không thể nói là hoàn toàn vô minh được. Chỉ là do sự chuyển hóa của tâm ô nhiễm mà định hình dạng thức súc sinh. Có thể gọi đó là tướng Luân Hồi.
Do tâm nhiễm ô nên không thông suốt được, khi mình tự chỉnh sửa tâm của mình cho trong sạch thì sẽ trở về sự thông suốt ban đầu, hợp về với bản tâm. Đó gọi là viên minh, viên nghĩa là tròn, đồng đều, bình đẳng; minh là sáng suốt. Ý nghĩa rằng sự thông suốt này không chỉ riêng ai, tất cả mọi loài đều bình đẳng, đều có thể chuyển hoá để thanh tịnh.
Khi ta làm cho tâm thanh tịnh dần, thì Trí Huệ cũng dần phát triển và sẽ nhận thức được chân lý.
Ta nhận thức được trong cõi này, những sự vật, hiện tượng mà chúng ta nhìn thấy không tồn tại mãi, có hợp có tan, gọi là Vô thường.
Chúng ta cũng vậy, thay đổi liên tục, đến hết chu trình chuyển hóa sinh học này thì cơ thể sẽ tan rã. Thực chất cơ thể mà chúng ta đang thấy sẽ không mất đi, sau khi tan rã sẽ trở về đất, và đất sẽ dùng để nuôi cây trồng và những sự sống khác. Chu trình tiếp nối sự sống mới.
Do vậy, sự sống này không thực sự có một nguyên bản được. Nó không có thực, mà chỉ là do sự cấu hợp của tứ đại là đất, nước, gió, lửa tạo thành rồi lại tan rã đi. Vậy nên, không có cái gọi là cái Ta thực. Phật học gọi đó là Vô ngã.
Khi không còn hình tướng này sẽ đến một vũ trụ toàn hảo mà trong phật học gọi là Niết Bàn.
Sự tuyệt đối của Niết Bàn không thể thấy bằng mắt, không thể cảm nhận bằng giác quan hữu hình được. Chỉ khi các giác quan trong sạch, thanh tịnh thì sẽ lập tức hội nhập với hệ quy chiếu đó, hay gọi là hợp nhất với Niết Bàn.
Những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý suy tư đều không phải không có mà là không thật, nên gọi là Không. Khi hiểu lý nghĩa ấy thì không còn sự vận hành để sinh diệt, nên gọi là Tĩnh, là trong sạch, nguyên bản của sự sống. Không còn cấu thành nữa nên gọi là Tịnh. Khi trở về với Tĩnh Tịnh Không, là giải quyết được luân hồi.
Khi đạt được Chánh Định tuyệt đối sẽ nhìn ra chân lý này.
Cần lưu ý rằng khi thiền định và nhìn thấy được những cảnh giới cao hơn như Thần tiên biến hoá, rồi quy phục cảnh giới cao đó, tưởng rằng mình sung sướng hạnh phúc khi được biến hóa thần thông, tưởng mình thoát được luân hồi sinh tử, nhưng không phải vậy.
Khi còn hình tướng, còn 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì còn luân hồi. Nguyên lý để giải thoát luân hồi là làm chủ hoàn toàn được 6 căn.
Khi chúng ta Kiến, là đang dùng 6 căn thăm dò, tiếp xúc, hội nhập, suy xét. Rồi những thông tin đó sẽ thâm nhập bên trong gọi là Thọ, rồi sẽ tư Tưởng. Từ đó, dòng tư duy vận Hành bên trong não của mình để tạo ra những tiềm Thức lưu trữ bên trong. Thức chưa tác động qua tay chân để tương tác với sự sống gọi là nội thức, thức tạo ra hành động tương tác với bên ngoài gọi là ngoại thức.
Mấu chốt để giải quyết sinh tử luân hồi nằm ở 6 căn của mình.
Khi kiến những điều ô trược không đúng đắn, nội thức sẽ ấp ủ tàng trữ bên trong sinh ra 3 độc là tham, sân và si.
Đến lúc có cơ hội bộc phát, nó sẽ khiến cho mình tham muốn, chất chứa, chiếm đoạt. Chữ tham bao hàm rất nhiều: Tham những tiện nghi trong cuộc sống, Tham danh vị, Tham chứng đắc, Tham tiền tài vật chất. Khi hiểu sai mà cho rằng việc đem tiền bạc đi làm từ thiện, bố thí là giải được tham rồi. Điều này hoàn toàn không đúng, Vì khi đó chúng ta vẫn còn tham hưởng lợi, tham danh vị, tham chứng đắc, nhưng không hiểu giáo pháp, tham muốn người khác độ mình.
Sân không chỉ là cái tướng trạng của sự nóng nảy, mà bản chất là do chúng ta thọ nhận, kiến những ô trược không đối xứng, hỗn loạn, ấp ủ bên trong sinh ra độc tố dẫn đến hành động rối ren, sai lầm. Khi các thức chúng ta nhận vào rối loạn như nhìn xe cộ chạy lung tung, làm việc gấp gáp, ăn đủ thứ hoá chất có hại, Khi tham muốn mà không đạt được thoả mãn, dẫn đến bên trong chúng ta rối loạn. Đến một lúc nào đó sẽ bị bộc phát thành nóng giận, dễ cảm xúc khóc cười quá độ.
Si nên hiểu rõ đây không chỉ là ngu dốt, mà còn có ý nghĩa si mê. Si mê ở chỗ dù cho có trình độ học rất cao nhưng không chịu đọc pháp và tư duy, mà vội nghe theo những lời ngụy tạo, đám đông lôi kéo, chỉ biết tuân thủ giáo điều rập khuôn, gật đầu nghe theo, thậm chí quỳ lạy những người không biết và không hiểu giáo pháp của Phật. Chúng ta có thể suy ngẫm lại những lời mà mình đã tuân thủ, tôn vinh thì những điều đó đã rõ nghĩa và giúp chúng ta cũng hiểu rõ được giáo pháp giác ngộ hay không?
Vậy nên thay vì Kiến những điều nhiễm ô, thì nên chọn những điều thiện để giải dần Tham, Sân, Si. Từ đó dần làm chủ được 6 Căn.
Điều thiện không chỉ là từ thiện giúp người mà bao gồm 10 giọt thiện:
- Cứu sanh, chăm sóc môi trường, con người, cây cỏ
- Rèn luyện tinh – khí – thần
- Giúp đỡ, chánh thiện thí
- Nói lời chân thật
- Nói lời hoà hợp, trung thực
- Nói đúng sự thật, giúp mọi người hiểu rõ vấn đề
- Nói lời nhã nhặn, giúp mọi người hiểu rõ việc làm thiện đúng
- Sẵn sàng cho đi, nghĩ điều tốt đẹp cho mọi người và chúng sanh
- Từ tốn, nhẫn nại, bao dung
- Học hỏi, năng động, trau dồi tri thức để hiểu rõ cội nguồn và quy luật vũ trụ
Mục tiêu của Giáo pháp Phật học Nguyên Thủy là giải được bài toán luân hồi.