Nghe các bài đọc của trang trên Radio trực tuyến

Lời mở đầu

Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapà. Ngài lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapà, rồi bảo các Tỳ khưu:

– “Này các Tỳ khưu, quý vị nghĩ thế nào, cái nào ở đây là nhiều hơn, số lá Simsapà mà Ta nắm lấy trong tay, hay số lá trong rừng Simsapà?”.

– “Bạch Thế Tôn, số lá Simsapàmà Ngài nắm lấy trong tay thật là quá ít, còn số lá trong rừng Simsapà thật là quá nhiều”.

– “Này các Tỳ khưu, cũng giống như những gì Ta đã biết rõ nhưng không giảng dạy cho quý vị thì thật là quá nhiều; còn những gì mà Ta đã giảng dạy thật là quá ít. Tại sao Ta không giảng dạy tất cả những điều ấy? Bởi vì có những điều không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho đời sống thanh cao, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không giảng dạy những điều ấy.”

Phật dạy giáo pháp giác ngộ đều nằm trong tầm tay của chúng ta, chỉ tại chúng ta chưa biết cách nắm bắt nên cứ tìm cầu (xem, nghe, đọc…) lung tung trong sự hỗn loạn của thời mạt pháp này, xa dần nguồn cội gốc rễ kéo theo việc chúng ta bị rối loạn. Thiết mong chúng ta cùng đọc thật kỹ cửa thứ 2: Phá Tướng Luận trong Thiếu Thất Lục Môn Yếu Chỉ của tổ Đạt Ma, sẽ giúp chúng ta giải nhiều điều vướng mắc của Pháp và hình tướng.

THIẾU THẤT LỤC MÔN YẾU CHỈ

Đệ Nhị Môn Phá Tướng Luận

(Luận về việc dẹp bỏ những cái hình tướng bên ngoài để trở về bản tâm)

Giảng luận: Bồ Đề Đạt Ma

Dịch giả: Nguyễn Minh Tiến

Biên tập: Phathocnguyenthuy.com

“Ta vốn đến Trung Quốc

Truyền giáo cứu mê tình

Một hoa khai năm cành

Kết quả tự nhiên thành”

Phần 1: Luận về Pháp Tu

Hỏi:

Với người có chí cầu tìm đường giác ngộ, thì pháp tu như thế nào tránh phí công mà nắm được chỗ quan trọng, thiết yếu nhất?)

Đáp:

Chỉ có một pháp quán tâm bao gồm được hết thảy các pháp, đó là pháp tu ít công sức mà vẫn nắm được chỗ quan trọng, thiết yếu nhất.

——

Hỏi:

Vì sao chỉ một pháp lại có thể bao gồm hết thảy các pháp

Đáp:

Tâm vốn là gốc của vạn pháp. Hết thảy các pháp đều do tâm sinh ra. Hiểu thấu được tâm thì vạn pháp đều gồm đủ. Cũng như cây lớn, bao nhiêu cành nhánh, hoa quả, ban đầu thảy đều do nơi gốc rễ mà sinh ra. Khi muốn chặt cây, chỉ dứt rễ đi thì cây chết. Người tu đạo nếu rõ được tâm thì dùng ít sức mà dễ đạt kết quả, còn như chẳng hiểu được tâm thì chỉ phí công vô ích. Vì thế, hết thảy các việc thiện ác đều do nơi tâm mình, lìa tâm ra mà cầu tìm thì không đâu có được.

——

Hỏi:

Vì sao nói rằng quán tâm là rõ biết?

Đáp:

Các vị đại Bồ Tát nhờ thực hành lâu dài pháp tu trí huệ […] nên rõ biết được bốn đại, năm ấm vốn là không, không thật có bản ngã, thấy rõ chỗ khởi dụng của tâm mình tạo thành hai tâm khác biệt.

Sao gọi là hai? Một là tâm trong sạch, hai là tâm nhiễm ô. Hai tâm ấy trong cõi tự nhiên xưa nay cùng sẵn có. Tuy lìa nhau nhưng gặp duyên lại hợp, đối đãi hỗ tương cho nhau. Tâm trong sạch thường ưa thích các nhân lành. Thể nhiễm ô thường nghĩ đến các nghiệp ác. Nếu không bị nhiễm ô, ấy là bậc thánh, liền có thể xa lìa mọi khổ đau, đạt đến chỗ vui Niết-bàn. Còn như theo tâm nhiễm ô mà tạo nghiệp thì bị trói buộc, che lấp, ấy là người phàm, phải trôi lăn trong ba cõi 1, chịu đủ các hình thức khổ não. Vì sao vậy? Đó là do tâm nhiễm ô che lấp đi cái thể của chân như.

Kinh Thập địa dạy rằng: “Trong thân chúng sinh có tánh Phật kim cang, như mặt trời sáng rõ tròn đầy, rộng lớn mênh mông, chỉ vì bị mây đen năm uẩn che lấp, cũng như cái đèn ở trong bình, ánh sáng không thể chiếu ra ngoài được.

Lại trong kinh Niết-bàn có dạy: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, chỉ do vô minh che lấp nên

không được giải thoát.” Tánh Phật [-> phật tánh], tức là khả năng giác ngộ. Chỉ cần tự mình giác ngộ, giúp cho người khác giác ngộ, trí giác ngộ sáng rõ gọi là giải thoát. Do đó nên biết rằng tánh giác ngộ là cội gốc của hết thảy mọi điều lành. Do nơi cội gốc này mà sinh ra cây công đức, kết thành quả Niết-bàn. Quán tâm được như vậy có thể gọi là rõ biết.

1 Ba cõi (Tam giới): Bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Hết thảy chúng sanh do tạo nghiệp mà phải luân hồi thọ báo, đều không ra ngoài ba cõi này.

——

Hỏi:

Như trên đã dạy rằng tánh giác ngộ là cội gốc của chân như tánh Phật, cũng như hết thảy mọi công đức. Chẳng biết tâm vô minh lấy gì làm gốc?

Đáp:

Nghiệp báo trong ba cõi đều do tâm sinh. Nay nếu có thể vô tâm ở trong ba cõi, liền thoát ra khỏi ba cõi. Ba cõi, tức là ba độc đó. Tham là Dục giới, Sân là Sắc giới, Si là Vô sắc giới. Cho nên gọi là ba cõi. Do nơi ba độc ấy mà tạo các nghiệp nặng nhẹ khác nhau, nhận lấy quả báo khác nhau, chia về sáu cảnh giới mà gọi là sáu đường.

——

Hỏi:

Thế nào là sự nặng nhẹ chia ra sáu đường?

Đáp:

Chúng sinh không hiểu được cái nhân thành chánh giác 1, để tâm mê theo việc làm điều thiện, chưa thoát ra khỏi ba cõi, sinh về ba cảnh giới nhẹ.

1 Nhân thành chánh giác: Thiền tông chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, chính là dạy

người hiểu rõ cái nhân thành chánh giác. Tu tập hết thảy các điều thiện, đó là tạo ra thiện nghiệp, tất sẽ nhận lấy thiện báo, nhưng hoàn toàn không thể nhờ đó mà được giải thoát, ra khỏi ba cõi, sáu đường. Chính theo nghĩa này mà tổ Đạt-ma bảo vua Lương Võ Đế là “xây chùa, độ tăng đều không có công đức”, tức là không thể dựa vào đó để cầu giải thoát được. Vì thế, cốt yếu của cả tập luận này cũng không ngoài việc làm rõ cái nhân thành chánh giác, tức là phương cách tu tập để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát.

——

Hỏi:

Thế nào là ba cảnh giới nhẹ?

Đáp:

Đó là mê theo mười điều thiện, vọng cầu sự khoái lạc, chưa thoát tâm tham, sinh về các cõi trời; mê giữ theo năm giới, vọng sinh lòng thương ghét, chưa thoát tâm sân, sinh về cõi người; mê chấp hữu vi, tin tà cầu phước, chưa thoát tâm si, sinh về cõi a-tu-la (asura). Phân ra ba loại như vậy gọi là ba cảnh giới nhẹ.

——

Hỏi:

Thế nào là ba cảnh giới nặng?

Đáp:

Đó là theo ba tâm độc mà tạo toàn các nghiệp ác, phải đọa vào ba cảnh giới nặng. Như nghiệp tham nặng thì đọa vào cảnh giới ngạ quỷ. Nghiệp sân nặng thì đọa vào cảnh giới địa ngục. Nghiệp si nặng thì đọa vào cảnh giới súc sanh. Ba cảnh giới nặng này cùng với ba cảnh giới nhẹ đã nói ở trên hợp thành sáu đường.

Do đó mà biết là hết thảy mọi nghiệp khổ đều do tâm sinh. Chỉ cần thâu nhiếp được tâm, lìa bỏ những điều tà ác thì những cảnh khổ trôi lăn luân chuyển trong ba cõi, sáu đường đều tự nhiên diệt mất, liền được giải thoát.

——

Hỏi:

Phật dạy rằng: “Ta trải qua ba đại a-tăng-kì kiếp, biết bao siêng năng khó nhọc, nay mới thành quả Phật.” Vì sao nay lại nói rằng chỉ theo pháp quán tâm, chế ngự được ba độc đủ gọi là giải thoát?

Đáp:

Lời Phật dạy không sai dối. A-tăng-kì kiếp đó chính là ba tâm độc. Tiếng Phạn nói a-tăng- kì (Asaṃkhya), dịch nghĩa là không thể tính đếm. Trong ba tâm độc ấy có vô số niệm ác, mỗi một niệm đều là một kiếp. Vậy nên số kiếp thật không thể tính đếm, mới nói là ba đại a-tăng-kì.

——

Hỏi:

Tánh chân như đã bị ba độc che lấp, nếu không vượt qua được cái tâm vô số niệm ác độc ấy, thì sao gọi là giải thoát? Nay nếu có thể chuyển hóa ba tâm độc là tham, sân, si thành ba cửa giải thoát 1 thì xem như vượt qua được ba đại a- tăng-kì kiếp. Chúng sanh vào thời mạt pháp căn tánh chậm lụt ngu si, không hiểu ra được ý nghĩa sâu kín của “ba đại a-tăng-kì” trong lời Phật dạy, cho rằng thành Phật phải trải qua vô số kiếp. Điều ấy há chẳng phải là làm cho người tu nhầm lẫn sinh nghi mà lùi bước trên đường cầu đạo hay

sao?

Đáp:

1 Tam môn (Ba cửa) giải thoát (Tam giải thoát hay Tam giải thoát môn), Tiếng Phạn (Sanskrit) là vimokṣa, cũng thường được hiểu là ba cánh cửa giải thoát. Đây là ba phép quán giúp người tu đạt đến sự giải thoát, bao gồm: Không (空, tiếng Phạn: śūnyatā), Vô tướng (無相, tiếng Phạn: ānimitta) và Vô nguyện (無願, tiếng Phạn: apraṇihita).

——

Hỏi:

Bồ Tát nhờ giữ đúng ba nhóm giới thanh tịnh, thực hành sáu pháp ba-la-mật mới thành quả Phật. Nay dạy người học chỉ theo pháp quán tâm, không tu giới hạnh thì làm sao thành Phật?

Đáp:

Ba nhóm giới thanh tịnh cũng chính là cái tâm chế ngự được ba độc. Chế ngự được ba tâm độc thì vô số điều lành nhóm lại. Vô số pháp lành đều nhóm lại nơi tâm, nên gọi là ba nhóm giới thanh tịnh.

Sáu pháp ba-la-mật, tức là sáu căn được thanh tịnh. Tiếng Phạn nói ba-la-mật (Pāramitā), dịch nghĩa là “đến bờ bên kia” (tột cùng). Khi sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm sáu trần liền được qua khỏi sông phiền não, đến bờ giác ngộ. Vì thế gọi là sáu ba-la-mật.

——

Hỏi:

Kinh dạy rằng, người tu ba nhóm giới thanh tịnh là: thề dứt hết thảy mọi điều ác, thề tu hết thảy mọi điều thiện, thề độ hết thảy chúng sanh. Nay chỉ nói riêng việc chế ngự ba tâm độc, chẳng phải là có chỗ trái với nghĩa kinh hay sao?

Đáp:

Kinh điển do Phật thuyết như thế vẫn là lời chân thật. Bồ Tát tu hành gieo nhân trước kia, vì đối trị ba độc mà phát ba thệ nguyện. Thệ dứt hết thảy mọi điều ác nên thường giữ giới, đối trị với tham lam. Thệ tu hết thảy mọi điều thiện nên thường tập định, đối trị với sân hận. Thệ độ hết thảy chúng sanh nên thường tu trí huệ, đối trị với si mê.

Do giữ theo ba pháp thanh tịnh là giới, định, huệ như vậy, nên có thể vượt trên ba độc kia mà thành quả Phật. Các điều ác không còn, nên gọi là dứt. Các điều thiện đầy đủ, nên gọi là tu. Đã có thể dứt ác tu thiện thì muôn hạnh đều thành tựu. Lợi mình, lợi người, cứu vớt mọi chúng sanh, nên gọi là đưa người qua bến giác.

Do đó nê biết rằng việc tu tập giới hạnh không lìa khỏi tâm. Nếu tâm thanh tịnh thì hết thảy các cõi giác cũng đều thanh tịnh. Vì thế nên trong kinh dạy rằng: Tâm nhiễm ô thì chúng sinh nhiễm ô, tâm thanh tịnh thì chúng sinh thanh tịnh. Muốn được cõi thanh tịnh, tâm phải thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh, cõi giác liền thanh tịnh. Ba nhóm giới thanh tịnh tự nhiên thành tựu.

——

Hỏi:

Trong kinh có dạy sáu pháp ba-la-mật, cũng gọi là sáu độ. Đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Nay nói rằng sáu căn thanh tịnh là pháp ba-la-mật thì làm sao phù hợp được? Lại còn nói sáu độ đó, ý nghĩa

như thế nào?

Đáp:

Muốn tu sáu độ, phải làm cho sáu căn thanh tịnh, hàng phục sáu giặc. Buông bỏ được giặc mắt, lìa hết cảnh vật, hình sắc, gọi là bố thí. Ngăn cấm được giặc tai, không buông lung phóng túng theo âm thanh, gọi là trì giới. Hàng phục được giặc mũi, đối với các mùi dù thơm hay thối đều tự điều hòa chẳng xao động, gọi là nhẫn nhục. Chế ngự được giặc lưỡi, không tham đắm các vị ngon ngọt, không mê thích những việc ngâm vịnh, giảng thuyết, gọi là tinh tấn. Khuất phục được giặc thân, đối với các ham muốn xúc chạm của thân thể giữ được sự trong sạch chẳng lay động, gọi là thiền định. Điều phục được giặc ý, chẳng thuận dòng vô minh, thường tu trí huệ giác ngộ, gọi là trí huệ. Sáu độ là phương tiện đưa người sang bến giác. Sáu phép ba-la-mật cũng như thuyền bè, có thể giúp đưa chúng sinh đến được bờ bên kia, nên gọi là sáu độ.

——

Hỏi:

Trong kinh dạy rằng khi còn là Bồ Tát, Phật Thích-ca đã từng dùng 1 ba đấu sáu thăng cháo sữa mới thành quả Phật. 2 Trước nhân có uống sữa, sau mới chứng quả Phật, đâu có thể chỉ riêng nhân nơi phép quán tâm mà được giải

thoát hay sao?

Đáp:

Lời dạy ấy quả thật không hề sai dối. Quả là nhân có việc dùng sữa, sau mới thành Phật. Nhưng nói về việc dùng sữa, phải phân biệt hai ý nghĩa. Món sữa mà Phật dùng, không phải là thứ sữa bất tịnh của thế gian, mà là món sữa pháp chân như thanh tịnh. Ba đấu, đó là ba nhóm giới thanh tịnh. Sáu thăng đó là sáu pháp ba-la- mật. Chính là dùng món sữa pháp chân như thanh tịnh này rồi mới chứng quả Phật. Nếu bảo Như Lai dùng món sữa bò bất tịnh tanh hôi của thế gian, chẳng phải là một sự nhầm lẫn phỉ báng nặng nề đó sao?

Chân như ví như kim cương không hư hoại, pháp thân vô lậu lìa xa mãi mãi hết thảy khổ não của thế gian, lẽ nào lại cần đến món sữa bất tịnh cho khỏi đói khát? Kinh dạy rằng: Loài bò ấy chẳng ở nơi vùng cao, chẳng ở nơi ẩm thấp, chẳng ăn thóc lúa, cám gạo, chẳng ở chung bầy với bò đực. Nói loài bò như vậy là muốn ví như đức Phật Đại Nhật. Vì lòng đại từ đại bi thương xót hết thảy chúng sinh nên từ trong pháp thể thanh tịnh ứng hiện món sữa pháp vi diệu là ba nhóm giới thanh tịnh và sáu pháp ba- la-mật để nuôi dưỡng hết thảy những người cầu đạo giải thoát. Món sữa thanh tịnh của loài bò chân tịnh ấy, không chỉ riêng đức Như Lai dùng rồi thành đạo, mà hết thảy chúng sanh nếu có thể được dùng đều sẽ được chứng quả Chánh đẳng Chánh giác. (Vairocana, Mahavairocana [Tỳ-lô(lư)-xá(giá)-na : Tam Thân Phật] => Ngũ trí/phương Như Lai/Phật : 1/- Đại Nhật (Ratnasambhava), 2/- Bất Động/A Súc Bệ (Akshobhya), 3/- Ngọc Bảo Sanh (Ratnasambhava), 4/- Vô Lượng Quang (Amitabha), 5/- Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi)}.)

1 Đây muốn nhắc đến việc đức Phật nhận cháo sữa cúng dường của nàng Câu- xà-đề (Sujata) sau 6 năm khổ hạnh. Nhờ dùng sữa, ngài khôi phục sức khỏe và sau đó mới thiền định dưới cội cây bồ-đề, và chứng quả Phật

2 Đấu và thăng là hai đơn vị đo lường thời xưa. Mỗi đấu bằng 10 thăng.

——

Hỏi:

Trong kinh Phật dạy chúng sinh tạo sửa chùa tháp, đúc vẽ hình tượng, đốt hương, rải hoa, đèn thắp sáng đêm ngày, đi quanh cung kính, ăn chay lễ bái… đủ mọi công đức mới thành quả Phật. Nếu chỉ một phép quán tâm gồm đủ hết các hạnh, vậy lời Phật dạy như trên hẳn là sai dối?

Đáp:

Kinh điển do Phật thuyết có vô số phương tiện. Vì hết thảy chúng sanh căn thấp trí hèn, không hiểu được nghĩa lý rất thâm sâu nên mới dùng pháp hữu vi làm ví dụ để nói pháp vô vi. Nếu không tu các hạnh trong tâm, chỉ cầu tìm bên ngoài để mong được phước, thật là vô lý!

*{Sangharama: Đền thờ, Tu viện => 伽 蓝 [già-lam] ; ‘()[Chaitya(Sa.)/Cetaya(Pi.)]: Nơi tụ họp, Đền thờ => 廛 / 纏 [Chiền(Nôm)/Triền(Hán)] ; 廛 : chỗ ở của dân, quán, chợ ; 纏 : hội họp, quấn bó, ràng buộc}

Phần 2: Luận về Xây Chùa, Đúc Tượng, Lễ Lạy – Thiếu Thất Lục Môn Yếu Chỉ

Tham gia bình luận

1 bình luận

Bạn nghĩ gì về bài viết này?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: